VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7327587
Trong tháng
113159
Hôm nay
4975
Đang Online
2886

Hiệu quả trong công tác quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm 06 tháng đầu năm 2019 của Ban Quản lý An toàn thực phẩm

Ngày đăng: 19/06/2019 - Lượt xem: 636

Trên đà phát triển cùa xã hội, nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm phát sinh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo Châu Phi đang bùng nổ khắp cả nước trong thời gian qua, nhằm ngăn chặn, phòng, chống và khống chế bệnh dịch lan rộng và phát triển tại TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Ban Quản lý) đã chỉ đạo quyết liệt và bám sát chặt chẽ đối với chương trình hành động vì an toàn thực phẩm trong 06 tháng đầu năm 2019.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, qua đó đã thực hiện kiểm tra được 2.560 cơ sở, phát hiện 289 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt 243 cơ sở với tổng số tiền là 3.139.046.000 đồng, tiếp tục xử lý 46 cơ sở (so với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ số cơ sở thanh, kiểm tra tăng 133%, tỷ lệ cơ sở vi phạm tăng 56%, số cơ sở bị xử phạt tăng 31%); tiến hành đình chỉ hoạt động có thời hạn 08 cơ sở, thu hồi bản tự công bố sản phẩm 02 cơ sở; tháo dỡ, tháo gỡ quảng cáo 01 cơ sở; thu hồi/tiêu hủy 1.267 kg sản phẩm và 345 đơn vị sản phẩm (chai/hộp/viên) và 08 loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Với mục tiêu chính và khẩn cấp hiện nay là phòng, chống khống chế bệnh Dịch tả heo Châu Phi, Ban Quản lý đã ban hành kế hoạch phối hợp, triển khai công tác chỉ đạo và kiểm tra nguồn thịt heo nhập vào các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thịt. Cụ thể đã phân bổ 35 thiết bị đọc cầm tay Honey Well EDA 50 cho các Đội Quản lý ATTP đóng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo vào chợ đầu mối; phát hiện và kiên quyết xử lý kịp thời theo quy định đối với các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; Chủ động phối hợp với Công ty Quản lý chợ đầu mối tăng cường công tác tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển, khu vực kinh doanh thịt; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát tình hình lưu hành vi rút Dịch tả heo Châu Phi. Đặc biệt Ban Quản lý đã cử nhân sự các Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận huyện phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các quận huyện, Ban Quản lý các chợ chủ động tăng cường kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc thịt heo tại các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn. Trong quá trình kiểm tra, khuyến cáo các cơ sở không sử dụng thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ liên quan. Tại các trục lộ giao thông chính ra, vào thành phố, Ban Quản lý đã cử nhân sự các Đội Quản lý ATTP liên quận huyện tham gia cùng các Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh động vật thành phố (do Cục Quản lý thị trường chủ trì) tăng cường tần suất hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo trên các tuyến đường chính ra, vào địa bàn thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Với các nỗ lực thực hiện, từ đầu năm 2019 đến nay, đã cấp 25.905 bản gốc, 26.635 bản sao Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố với với tổng khối lượng là 19.681.073 kg và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo tại 02 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền với 54.239 xe, tổng khối lượng 1.060.480 con; kiểm tra 8.513 lượt xe, xử lý vi phạm: 43 trường hợp.

Bên cạnh đó, công tác giám sát an toàn thực phẩm đã và đang được triển khai chặt chẽ tại các lễ hội, sự kiện cũng như tăng cường tại các bếp ăn tập thể tại trường học. Điển hình Ban Quản lý và Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) thành phố phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2019 với mục tiêu là cầu nối giữa nhà trường và các nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm sạch, nâng cao ý thức sử dụng các sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn (chuỗi thực phẩm an toàn, VietGAP, GlobalGAP, ISO22000, HACCP,…), cũng như thu hút sự quan tâm nhà trường và cả phụ huynh lẫn các em học sinh về an toàn thực phẩm. Ngoài ra Ban Quản lý đã thực hiện giám sát 08 sự kiện, lễ hội trên địa bàn thành phố, trong đó kiểm tra thủ tục hành chính và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm có liên quan đến hoạt động phục vụ ăn uống, đảm bảo không xảy ra ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian diễn ra sự kiện. Đồng thời, triển khai lấy 222 mẫu phân tích định lượng đối với các thực phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, kết quả có 41 mẫu không đạt, tỷ lệ 18,5%. 

Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với loại hình thức ăn đường phố, 60 mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố đã được đăng ký xây dựng. Trong 6 tháng cuối năm 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp với quận, huyện trong công tác xây dựng các mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, tiến tới công nhận các mô hình điểm để nhân rộng ra trên toàn địa bàn thành phố, từng bước cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.

Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm cũng được lưu ý và giám sát chặt chẽ, trong thời gian từ ngày 01/01/2019 đến ngày 28/5/2019, ghi nhận có 01 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố với 24 người mắc tại Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương, địa chỉ: 245 Hòa Bình, phường Hiệp Tân (không có trường hợp tử vong). So với cùng kỳ năm 2018, năm 2019 số vụ ngộ độc thực phẩm không tăng và số người mắc giảm 01 người.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm thường xuyên được chú trọng, tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng cũng như đưa ra các thông tin cảnh báo kịp thời đối với các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, cụ thể đã treo 150 băng rôn, thiết kế, in ấn và cấp phát 80.000 tờ gấp về “Cách lựa chọn thực phẩm tươi sống an toàn”, "Cảnh báo ngộ độc so biển", “Hướng dẫn bảo quản thực phẩm”, poster tuyên truyền "Hãy coi chừng nấm độc", 2886 đĩa hình và đĩa tiếng, viết 103 bài đăng trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý, tổ chức 22 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho 2.098 đối tượng. Chủ trì tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019” với 500 người tham dự. Đặc biệt, để ứng phó với dịch tả heo Châu phi đang diễn biến phức tạp và lan rộng, Ban Quản lý nhanh chóng chỉ đạo thiết kế, in ấn và phân phối tờ gấp, tờ rơi về “Phòng chống dịch tả heo Châu Phi” cấp phát cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt heo và các sản phẩm có nguồn gốc thịt heo, người tiêu dùng; tuyên truyền về dịch bệnh này cho phòng Y tế 24 quận – huyện và các Đội Quản lý an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo kịp thời về nguy cơ bệnh lây lan, tránh ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống của người dân. Bên cạnh đó Ban Quản lý cũng phối hợp với các Sở ngành, Hội Đoàn thể tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Tính đến ngày 28/5/2019, Ban Quản lý đã cấp 1.946 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận 13.973 hồ sơ tự công bố sản phẩm, 126 hồ sơ đăng ký công bố, 04 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 46 giấy chứng nhận “chuỗi thực phẩm an toàn”; tổ chức 113 lớp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 9.592 người tham dự và cấp 1.784 Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 8.610 đối tượng đạt yêu cầu.

Công tác xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án, Đề án, Chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được chú trọng và phát huy tối đa để đạt được các kết quả khả quan trong thời gian qua. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý đã tiếp tục liên kết với các tỉnh, điển hình đã tổ chức ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP.HCM với Tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019-2020; triển khai có hiệu quả Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”, thành phố đã tổ chức thẩm định và cấp 46 giấy chứng nhận“chuỗi thực phẩm an toàn” cho 40 trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng tham gia vào chuỗi: 17.000 tấn rau, củ, quả, thịt, thủy sản/năm (trừ trứng gà và nước mắm); Phát triển Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, Ban Quản lý đã tiếp nhận 50 hồ sơ và giải quyết cấp mã code cho 44 cở sở đăng ký tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Thúc đẩy xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm đảm an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM với mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, Ban Quản lý đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai hướng dẫn các chủ đầu tư, hợp tác xã, ban quản lý chợ truyền thống trên địa bàn thực hiện các nội dung về sắp xếp và quy hoạch chợ truyền thống trên địa bàn đảm bảo các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 về cơ sở vật chất và kỹ thuật của chợ, tập trung điều kiện về kinh doanh, đảm bảo 100% hàng hoá thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc, lựa chọn, tổ chức triển khai xây dựng ít nhất 01 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn trong năm 2019, làm cơ sở để từng bước hoàn thiện và nhân rộng mô hình đối với các chợ truyền thống trên địa bàn, đến nay mỗi quận, huyện đã lựa chọn được 01 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn và tiến hành tổ chức thực hiện trong năm 2019.

Nhằm hướng đến hiện đại hóa trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, Ban Quản lý đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, áp dụng ISO điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, khảo sát sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với dịch vụ hành chính công năm 2019. Cho đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý chưa có hồ sơ giải quyết trễ hạn của các thủ tục hành chính rút ngắn thời hạn xử lý nêu trên.

Với các kết quả khả quan đạt được trong 06 tháng qua, Ban Quản lý tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các công tác đã và đang được triển khai nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố đảm bảo nguồn thực an toàn cung cấp cho người dân thành phố theo đúng với mục tiêu đề ra “xây thực phẩm sạch – chống thực phẩm bẩn”./.

                                                                                    Trần Phương Thảo – Văn phòng

Đội quản lý ATTP liên quận huyện