VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7311337
Trong tháng
96909
Hôm nay
3416
Đang Online
5483

Chỉ số đánh giá công tác Cải cách hành chính năm 2019 của Ban Quản lý An toàn thực phẩm xếp loại xuất sắc, vượt 03 bậc so với năm 2017, 2018

Ngày đăng: 18/03/2020 - Lượt xem: 1383

Sáng ngày 16/03/2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Cải cách hành chính năm 2019, giai đoạn 2017-2020 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ngay từ khi mới thành lập, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tiếp nhận tất cả thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm từ Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kịp thời kiểm tra, rà soát và trình Ủy ban nhân dân thành phố công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho 11 thủ tục hành chính. Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã nhanh chóng triển khai ISO điện tử trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho 10/11 thủ tục hành chính (thủ tục “Cấp giấy kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố” chưa thực hiện ISO điện tử do tính chất đặc thù).

Trong giai đoạn 2017-2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính và đã mang lại nhiều kết quả tích cực, khả quan trong công tác cải cách hành chính vào những vấn đề cụ thể, thiết thực đặc biệt là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính.

Bà Lê Bích Châm – Phó Chánh Văn phòng điều hành báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính năm 2019

Một trong những đột phá trong triển khai cải cách hành chính của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, phải kể đến là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong xu thế hiện nay là rất cần thiết. Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân được thụ hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký các thủ tục hành chính, đặc biệt là tránh được nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà. Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet.

Từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho các thủ tục Xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, Xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm (chiếm khoảng 30% trong tổng số thủ tục hành chính của Ban Quản lý An toàn thực phẩm). Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã bố trí nhân sự, trang bị các thiết bị hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký trực tuyến, tuyên truyền vận động cá nhân, tổ chức tham gia. Cho đến nay mang lại kết quả khả quan đạt 100% cá nhân, tổ chức đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính triển khai tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Hiện tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm đang phối hợp với Viettel triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho hồ sơ tự công bố sản phẩm và 06 thủ tục hành chính lĩnh vực đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn lại.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng đã sớm xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 từ khi được công bố thủ tục hành chính thuộc chức năng của Ban Quản lý An toàn thực phẩm theo Quyết định số 1161/QĐ-BQLATTP ngày 02/11/2018 và trong năm 2019 tiếp tục duy trì, cải tiến và mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Quyết định số 1305/QĐ-BQLATTP ngày 29/10/2019).

Từ năm 2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chú trọng nâng cao chỉ số hài lòng của người dân trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công, theo đó luôn nghiên cứu các giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã triển khai rút ngắn 20-30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể: năm 2018, rút ngắn 30% thời hạn xử lý các hồ sơ thuộc thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo Thông tư số 58/2014/TT-BCT, từ 27 ngày làm việc còn 19 ngày làm việc; năm 2019 rút ngắn 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo Thông tư số 43/2018/TT-BCT (thay thế Thông tư 58/2014/TT-BCT), từ 20 ngày làm việc còn 16 ngày làm việc; rút ngắn 20% thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, từ 25 ngày làm việc giảm còn 20 ngày làm việc và rút ngắn 20% thời hạn xử lý thủ tục hành chính cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, từ 10 ngày làm việc còn 08 ngày làm việc. Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tiếp nhận 3.523 hồ sơ, cho đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 100%. Hiệu quả của mô hình không chỉ giảm thiểu chi phí đi lại mà còn các chi phí phát sinh khác do kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức. Hiện nay, sáng kiến của Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã được Sở Nội vụ ghi nhận và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Qua các kỳ đánh giá, Ban Quản lý An toàn thực phẩm ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân, từ đó khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện những điểm không hài lòng và xem đó là cơ sở để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể trong năm 2019, tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đã bố trí khu vực cung cấp thông tin các thủ tục hành chính; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn ghế, máy tính, máy scan có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch; lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn bộ quá trình tiếp nhận và trả kết quả của các cán bộ, công chức làm việc, bảo đảm tính công khai, minh bạch; bố trí khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số xếp hàng tự động; các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin về thủ tục hành chính, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, các máy tính bảng khảo sát sự hài lòng có kết nối tới Hệ thống đánh giá hài lòng của thành phố tại địa chỉ https://danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn/#/.

Với những nỗ lực đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã nhận được kết quả đáng phấn khởi: năm 2019 trên 98% người dân hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Ban Quản lý An toàn thực phẩm đạt 91.12 điểm, xếp loại Xuất sắc, vượt 03 bậc so với năm 2017, 2018.

Tại Hội nghị, Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho biết Ban Quản lý An toàn thực phẩm là 1 trong 17 đơn vị đạt xuất sắc trong công tác cải cách hành chính năm 2019 là một nỗ lực rất lớn từ chỉ đạo của Lãnh đạo Ban đến sự quyết liệt vào cuộc của các phòng, ban chức năng. Năm 2018, Ban đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính nhưng do trang thiết bị, máy móc chưa được trang bị đầy đủ, các thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn, chưa phân cấp được cho tuyến quận, huyện nên còn nhiều phiền hà cho người dân nhưng Ban vẫn phục vụ đảm bảo cho người dân có sự hài lòng. Tiếp nối thành quả đã đạt được, trong năm 2020 với phương châm phục vụ người dân được tốt nhất, bà Phạm Khánh Phong Lan chỉ đạo các phòng chức năng cần nỗ lực giữ vững các thành tích đã đạt được, phát huy ở mức độ cao hơn, tốt hơn để công tác cải cách hành chính là niềm tự hào của Ban Quản lý An toàn thực phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Trong thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2020 đã cam kết với Ủy ban nhân dân thành phố và Kế hoạch thực hiện công tác CCHC năm 2020, cụ thể đạt các chỉ tiêu năm 2020 như sau:

- Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đạt trên 85% khi thực hiện giải quyết TTHC và khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Ban Quản lý.

- Phấn đấu tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của tất cả các TTHC trên hệ thống một cửa thành phố đạt trên 90%.

- Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% số lượng TTHC đủ yêu cầu, điều kiện vào cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và có phát sinh hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.

- 100% văn bản, tài liệu giải quyết công việc trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện dưới dạng điện tử (trừ những văn bản mật và những văn bản phải trao đổi bằng văn bản giấy theo quy định).

- 100% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sử dụng thường xuyên hệ thống thư điện tử công vụ trong công việc.

-Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ 2 lần/ năm về công tác CCHC và kiểm tra đột xuất, kiểm tra 100% các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc; đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của CBCCVC trong thi hành công vụ.

- Mỗi phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc có ít nhất một sáng kiến, giải pháp hiệu quả về nâng cao văn hóa công vụ, cải thiện tinh thần thái độ phục vụ của công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ giải quyết yêu cầu với cá nhân, tổ chức. Phấn đấu mỗi công chức, viên chức có trên 20% nhiệm vụ hoàn thành vượt tiến độ, có chất lượng và hiệu quả so kế hoạch được giao.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

Các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2017-2020

Các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2017-2020

Đế Anh – Phòng TT, GD, TT

Đội quản lý ATTP liên quận huyện