VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7311154
Trong tháng
96726
Hôm nay
3233
Đang Online
5300

Sử dụng thực phẩm bổ sung chất béo an toàn.

Ngày đăng: 21/12/2020 - Lượt xem: 4105

Những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm phát triển ngày càng mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng an toàn cho sức khỏe. Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về một chất nguy hiểm được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm hiện nay, khoảng 540.000 ca tử vong mỗi năm có liên quan đến chất này, đó chính là chất béo chuyển hóa (Trans fat). Vì vậy, cần phải có thông tin cung cấp cho người tiêu dùng về việc sử dụng bổ sung thực phẩm bổ sung chất béo an toàn nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất và đảm bảo sức khỏe.

Chất béo là một trong ba loại chất dinh dưỡng chính của cơ thể. Vai trò của chất béo rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng để hấp thụ vitamin, khoáng chất bảo vệ sức khỏe tim và não. Hiểu được vai trò của chất béo tốt sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng thiết lập kế hoạch ăn uống lành mạnh, tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần, cũng như hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Có hai loại chất béo: Chất béo tốt (chất béo không bão hòa) và chất béo xấu (chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa).

Chất béo không bảo hòa tồn tại dưới hai dạng là chất béo không bão hòa đơn (có nhiều trong đậu phộng, dầu ô-liu, dầu hướng dương,…), và chất béo không bão hòa đa - bao gồm 2 loại: omega-3 (có nhiều trong cá ngừ, các hồi, các thu, hạt chia, quả óc chó,…) và omega-6 (có nhiều trong dầu cây rum,…)

Chất béo không bão hòa (Nguồn: Internet)

Theo nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Harvard, chất béo không bão hòa đơn giúp giảm mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu[1]; chất béo không bão hòa đa: chất béo omega-3 giúp thúc đẩy sự phát triển của não và hệ thần kinh, giúp ta có làn da khỏe mạnh, và rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch; chất béo omega-6 giúp bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh về tim mạch[2].

Chất béo chuyển hóa (trans fat), hoặc các axit béo chuyển hóa, là các axit béo không bão hòa, được tìm thấy từ các nguồn tự nhiên hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm. Chất béo chuyển hóa hình thành một cách tự nhiên được tìm thấy trong ruột của động vật nhai lại (như bò và cừu). Chất béo chuyển hóa hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm, được tạo ra khi hydro được thêm vào dầu thực vật (quá trình hydro hóa) để chuyển thành chất béo rắn, tạo ra dầu hydro hóa một phần (PHO).[3]

Chất béo chuyển hóa (Nguồn: Internet)

Trong ngành chế biến thực phẩm, chất béo chuyển hóa được sử dụng với mục đích cải thiện cấu trúc, tăng thời gian bảo quản và tạo hương vị thơm ngon cho thực phẩm. Chúng có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như: bơ thực vật, thức ăn chiên (khoai tây chiên, bánh rán, thức ăn nhanh chiên), bánh nướng (bánh quy giòn, bánh quy, bánh nướng), mì gói, …[4]

Theo nghiên cứu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), việc sử dụng chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu. Mức LDL-cholesterol trong máu tăng cao làm tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch.[5] Mỗi năm, có khoảng 540.000 ca tử vong có liên quan đến chất béo chuyển hóa. Việc ăn nhiều chất béo chuyển hóa làm tăng 34% nguy cơ tử vong so với bình thường, 28% tử vong do bệnh mạch vành và 21% bệnh tim mạch vành.

      

Không nên ăn thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa (Nguồn: Internet)

Chất béo chuyển hóa là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại, vì khi xâm nhập cơ thể chất béo chuyển hóa sẽ gây đông đặc máu,  gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chất béo chuyển hóa làm tăng nguy tử vong và các bệnh về tim mạch, và khuyến cáo nên sử dụng 0,13g đến 4,3g chất béo mỗi ngày nếu nhu cầu năng lượng mỗi ngày là 2000kcal[6].

Để hạn chế việc sử dụng các thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa, chúng ta nên:

- Chế biến thực phẩm bằng phương pháp hấp hoặc luộc thay vì chiên; hạn chế ăn các loại thịt chiên, nướng, thức ăn nhanh, bánh rán, bánh ngọt, bánh nướng, bánh quy,…;

- Sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, thịt nạc hoặc các loại thịt đã loại bỏ phần mỡ;

- Thay thế bơ, mỡ lợn,..các thực phẩm dầu mỡ chứa nhiều chất béo chuyển hóa bằng các loại dầu giàu chất béo không bão hòa, chẳng hạn như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu hoa rum,…[7]. Tuy nhiên, để lựa chọn các loại dầu ăn[8] an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng cần hiểu thêm các thông tin về dầu ăn để lựa chọn một cách chính xác và an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân như nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm...

Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm đã được công bố chất lượng sản phẩm, có nhãn hàng, thương hiệu, xuất xứ rõ ràng. Không nên dùng những loại dầu mỡ đóng can, đóng chai, không có nhãn mác, tránh mua loại dầu không rõ nguồn gốc và khi sử dụng nếu thấy có mùi lạ phải bỏ ngay.

                                                                         Phòng QLCLTP

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Theo Harvard Health Publishing (Trường Y tế công cộng Harvard), Understanding the unsaturated fats (2015), https://www.health.harvard.edu/heart-health/understanding-the-unsaturated-fats, truy cập ngày 08/12/2020)

2. Theo WHO, Nutrition: Trans fat (2018), https://www.who.int/news-room/q-a-detail/nutrition-trans-fat, truy cập ngày 27/11/2020.

3. Theo FDA, Trans fat (2018), https://www.fda.gov/food/food-additives-petitions/trans-fat, truy cập ngày 30/11/2020.

       4. Theo WHO, Healthy diet (2020), https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/healthy-diet, truy cập ngày 02/12/2020.

[1] Theo Trường Y tế công cộng Harvard, nên sử dụng chất béo bão hòa đơn khoảng 15% đến 20% lượng calo hằng ngày là tốt nhất. (Trích Understanding the unsaturated fats (2015), https://www.health.harvard.edu/heart-health/understanding-the-unsaturated-fats, truy cập ngày 08/12/2020)

[2] Theo Trường Y tế công cộng Harvard, những người tiêu thụ nhiều omega-6 có nguy cơ bị đau tim và mắc các bệnh tim khác thấp hơn 14% so với những người ít tiêu thụ và nguy cơ chết vì bệnh tim thấp hơn 17%. (Trích Understanding the unsaturated fats (2015), https://www.health.harvard.edu/heart-health/understanding-the-unsaturated-fats, truy cập ngày 08/12/2020)

[3] Theo WHO, Nutrition: Trans fat (2018), https://www.who.int/news-room/q-a-detail/nutrition-trans-fat, truy cập ngày 27/11/2020.

[4] Theo WHO, dầu hydro hóa một phần (PHO) là thành phần chính của chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp, và là một trong những thành phần của các loại thực phẩm nêu trên – Trích Nutrition: Trans fat (2018).

[5] Theo FDA, Trans fat (2018), https://www.fda.gov/food/food-additives-petitions/trans-fat, truy cập ngày 30/11/2020. Năm 2015, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã xác định rằng dầu hydro hóa một phần (PHO), nguồn cung cấp chất béo chuyển hóa chính trong ngành công nghệ thực phẩm, không còn được chứng nhận GARS - Generally Recognized As Safe: chứng nhận tuyệt đối an toàn của FDA. Và sau ngày 18 tháng 6 năm 2018, PHO sẽ không được sử dụng trong thực phẩm.

[6] Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra lời khuyên, để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe, nên giảm tổng lượng chất béo hấp thụ dưới 30% so với tổng lượng calo ăn vào sẽ giúp hạn chế việc tăng cân. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh khác cũng sẽ được hạn chế nếu giảm hấp thu lượng chất béo bão hòa thấp hơn 10% so với tổng lượng calo ăn vào, giảm lượng chất béo bão hòa thấp hơn 1% so với tổng lượng calo ăn vào và nên thay thế việc sử dụng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo không bão hòa. (Trích Healthy diet (2020), https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/healthy-diet, truy cập ngày 02/12/2020)

[7] Theo WHO, Healthy diet (2020), https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/healthy-diet, truy cập ngày 02/12/2020.

[8] Dầu ăn là từ dùng để chỉ chung một loại hợp chất được tinh lọc từ thực vật hoặc động vật. Dầu ăn có thể được điều chế từ rất nhiều loại nguyên liệu như: dầu ô liu, dầu cọ, dầu nành, dầu canola, dầu hạt bí ngô, dầu bắp, dầu hạt hướng dương, dầu cây rum, dầu lạc, dầu hạt nho, dầu vừng, dầu argan, dầu cám gạo,..Việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung và sản phẩm dầu ăn dùng làm thực phẩm nói riêng phải đảm bảo về an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.

 

Đội quản lý ATTP liên quận huyện