VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7338167
Trong tháng
123739
Hôm nay
3017
Đang Online
5446

ĐẨY MẠNH KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Ngày đăng: 14/06/2021 - Lượt xem: 820

Trong những năm gần đây, “Thực phẩm chức năng” đã trở thành một cụm từ khá thông dụng trong đời sống thường nhật. Trên thực tế, những sản phẩm này đã đem lại không ít lợi ích cho người tiêu dùng trong việc dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh tật. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người đã tìm mua các loại thực phẩm chức năng với mục đích nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh.

Việc kinh doanh thực phẩm chức năng hiện nay đa phần là thông qua các kênh mua sắm trực tuyến (online), sử dụng các ứng dụng mua hàng online, mua hàng thông qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội (facebook, zalo, twitter…), trên các trang youtube….Tuy nhiên trong đó cũng có một số sản phẩm được rao bán với thông tin sơ sài, xuất xứ không rõ ràng và chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, nhu cầu cũng như sức khỏe người tiêu dùng mà nguy hiểm hơn là việc người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm này để thay thế thuốc chữa bệnh.

Nhằm tăng cường rà soát, kiểm tra việc quảng cáo các thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội, Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã tiến hành rà soát, kiểm tra trên 3.700 sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, kênh bán hàng online…., và đã phát hiện hơn 70 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm các nội dung quảng cáo như: quảng cáo sản phẩm có công dụng “điều trị bệnh”, quảng cáo như “thần dược”, thiếu khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, sử dụng hình ảnh của các bác sĩ để quảng bá….

Một số tổ chức, cá nhân còn lợi dụng sự nổi tiếng của một số nghệ sĩ, diễn viên để quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dưới hình thức chia sẻ công dụng sau khi sử dụng đối với bản thân nghệ sĩ trên mạng xã hội của cá nhân, facebook, youtube …. Trong đó có một số nội dung thổi phồng công dụng, sai sự thật, không đúng nội dung được cấp phép quảng cáo… và nguy hiểm hơn là giới thiệu sản phẩm có công dụng là thuốc.


Nghệ sĩ quảng cáo, livestream giới thiệu thực phẩm bảo vệ sức khỏe

                                   (ảnh nguồn Báo Tuổi trẻ ngày 14.5.2021)

Từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng đã tiến hành kiểm tra 431 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phát hiện 16 cơ sở vi phạm, và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở với số tiền phạt là 784.750.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 03 cơ sở; buộc tháo gỡ, tháo dỡ quảng cáo 04 cơ sở, buộc thu hồi để chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy sản phẩm của 05 cơ sở. Đang tiếp tục xử lý 01 cơ sở.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong việc quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiên quyết xử lý nghiêm và công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm khuyến cáo đến người tiêu dùng nên lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan quản lý xác nhận sản phẩm được lưu hành hoặc có thể tra cứu kiểm chứng lại các nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của doanh nghiệp trên Website Cục An toàn thực phẩm (https://vfa.gov.vn/) trước khi quyết định sử dụng (sản phẩm đã được cấp Giấy đăng ký công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm). Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, kiểm tra nhãn sản phẩm, hạn sử dụng và các thông tin liên quan đến tính năng, công dụng của sản phẩm theo quy định.

Hướng dẫn cách tra cứu kiểm tra thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe

 trên website của Cục An toàn thực phẩm (vfa.gov.vn)

Hướng dẫn cách tra cứu kiểm tra thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe

 trên website của Cục An toàn thực phẩm (vfa.gov.vn)

 

Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật quảng cáo hiện hành. Lưu ý, quảng cáo công dụng sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ chức năng bộ phận cơ thể, không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

(Phòng TTGDTT – Hà Phương)

 

Đội quản lý ATTP liên quận huyện