VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7302807
Trong tháng
88379
Hôm nay
842
Đang Online
2489

Họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố

Ngày đăng: 13/09/2021 - Lượt xem: 390

Chiều ngày 09/9/2021, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp báo thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố. Chủ trì buổi họp báo là Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

 

Toàn cảnh buổi họp báo

Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minhvà cả nước đã huy động gần 26.700 cán bộ, nhân viên y tế (trong đó Thành phố huy động được gần 20.000 người và lực lượng hỗ trợ từ các tỉnh thành là gần 6.700 người) tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vaccine.  

Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố- Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh, đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế là những chiến sỹ kiên cường, dũng cảm. Thành phố và Bộ Y tế luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, chăm lo với mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh. Công tác phối hợp giữa Thành phố và Bộ Y tế chặt chẽ, thường xuyên kịp thời, giải quyết các vấn đề theo kế hoạch đề ra và vấn đề an sinh, phát huy nhiều nguồn nhân lực để chăm lo cho đội ngũ y tế. Ngoài các chính sách của Nhà nước, thời gian qua, nguồn vận động xã hội hóa thông qua Mặt trận Tổ quốc rất nhiều, đã hỗ trợ cho những nhân viên y tế về khẩu phần ăn, nước uống, trái cây…

Trong buổi họp báo vấn đề an toàn thực phẩm cũng được quan tâm, bà Phạm Khánh Phong Lan -Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm (QLATTP) Thành phố đã nêu một số khó khăn của các đơn vị cung ứng suất ăn như: Nguồn cung ứng nguyên liệu thực phẩm hạn chế, chi phí “3 tại chỗ”, chi phí xét nghiệm, chi phí vận chuyển…. làm giá thành thực phẩm tăng cao. Đã có 218 cơ sở (hơn 50% số cơ sở cung cấp suất ăn) đã phải đóng cửa vì gặp khó khăn trong quá trình hoạt động tại thời điểm này. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm trong các khu cách ly, khu điều trị vẫn luôn được đảm bảo.

Bà Phạm Khánh Phong Lan -Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố phát biểu

 

Bà cũng khẳng định vấn đề về đảm bảo an toàn thực phẩm đã được đặt ra ngay từ đầu. Ban QLATTP đã xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra các đơn vị liên quan về an toàn thực phẩm và can thiệp kịp thời các trường hợp, giải quyết tận gốc các nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng đề xuất Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố và các cấp, các ngành xem xét điều chỉnh tăng nguồn kinh phí các suất ăn cho bệnh nhân và đội ngũ Y bác sĩ tuyến đầu nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng cho tuyến đầu chống dịch. Đồng thời cần đảm bảo chế độ cho lực lượng y bác sĩ bị trở thành F0 trong quá trình tham gia chống dịch (được hưởng tiền ăn như lực lượng tham gia phòng chống dịch (120.000đồng/người/ngày chứ không phải 80.000 đồng/người/ngày)

Hiện tại, theo những khảo sát của ngành Y tế gần đây, với việc cung cấp suất ăn ở 60 bệnh viện (theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố chế độ tiền ăn cho những người tham gia chống dịch là 120.000 đồng/người/ngày, bệnh nhân là 80.000 đồng/người/ngày), thì có 05/60 bệnh viện không hài lòng ở khẩu vị không phù hợp, thức ăn nguội,…nhưng chưa có phản ánh nào liên quan đến an toàn thực phẩm. Với từng trường hợp cụ thể, Ban đã đề nghị các cơ sở cung ứng bàn bạc với bệnh viện để có phương án phù hợp nhất, về khẩu vị và thay đổi thời gian cung cấp suất ăn để tránh việc các suất ăn nguội lạnh dễ dẫn đến nguy cơ về ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, trong buổi họp báo các vấn đề về chính sách cho tuyến đầu chống dịch, việc lưu thông vận chuyển hàng hóa phối hợp phòng chống tội phạm, sai phạm trong việc thực hiện các gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, vấn đề phát sinh trong việc “Đi chợ hộ”,… cũng được đề cập và yêu cầu các hướng xử lý nhằm đảm bảo việc phòng chống dịch đạt hiệu quả, sớm đưa người dân trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

 

Phương Thảo-Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông
Đội quản lý ATTP liên quận huyện