VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7342181
Trong tháng
127753
Hôm nay
797
Đang Online
1583

Bảo quản bánh trung thu trong mùa dịch COVID-19

Ngày đăng: 13/09/2021 - Lượt xem: 600

Tết Trung thu 2021 sắp đến gần, tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 nên các cửa hàng bán bánh trung thu truyền thống chưa triển khai bày bán trên các đường phố. Nhưng bù lại thị trường bánh trung thu trực tuyến (online) thì đã diễn ra khá sôi động, đa dạng từ sản phẩm đến cách làm, dụng cụ, nguyên liệu làm bánh…

Các công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống lâu năm quen thuộc với người tiêu dùng đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang thương mại điện tử…với đa dạng chủng loại, giá cả. Ngoài các loại bánh trung thu của các công ty sản xuất trong nước, bánh nhập khẩu thì còn có số lượng bánh tự làm (handmade) rồi rao bán trên các mạng xã hội như Facebook, zalo…cũng khá sôi động với các nguyên liệu tự nhiên với giá cả và chất lượng khá phong phú.

Theo Cục ATTP, khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo ATTP, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:

Cách lựa chọn bánh trung thu an toàn:

- Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...

- Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.

- Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

- Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

            - Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Cách bảo quản và sử dụng bánh trung thu:

- Bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).

- Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

- Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

- Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.

- Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.

- Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bánh trung thu gồm hai phần là vỏ bánh và nhân bánh. Bánh trung thu truyền thống thường được làm từ bột mì tinh luyện, đường, bơ, dầu thực vật, bột đậu dạng nhuyễn và tẩm ướp với đường, có thể thêm cả lòng đỏ trứng. Ngoài các thành phần chứa các chất dinh dưỡng trên, trong bánh Trung Thu còn có thể có các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi... và các chất bảo quản để bảo quản bánh lâu hơn. Với các loại bánh có thương hiệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nguyên liệu làm bánh cũng như việc sử dụng các chất phụ gia và chất bảo quản được thực hiện chặt chẽ. Việc sử dụng đúng cách, hợp lý các loại bánh trung thu này sẽ không gây hại đến sức khỏe của chúng ta.

Tuy nhiên, với các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác và không theo các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ có những nguy hại cho sức khoẻ. Bởi, các loại bánh này thường không tuân theo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Nguyên liệu làm vỏ bánh và nhân bánh không đảm bảo, có thể được sử dụng từ các nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đã hết hạn sử dụng hoặc có thể là nhập lậu. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi và sử dụng các chất bảo quản quá liều lượng quy định hoặc không nằm trong danh mục được cấp phép sử dụng cũng gây các tác hại không nhỏ đến sức khỏe

Tết Trung thu đang đến gần, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng:

- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong sản xuất như nguyên tắc 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến;

- Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; khi mua bánh Trung thu handmade bán online, người tiêu dùng nên chọn người bán uy tín, có địa chỉ cụ thể, rõ nguồn nguyên liệu, bánh được chế biến và bảo quản đúng quy trình. Khi mua, người dân nên chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng... Nếu mua phải những sản phẩm kém chất lượng hoặc biết các cơ sở sản xuất mất an toàn, người tiêu dùng cần chủ động thông tin tới cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.

Vì Tết Trung thu vui, khỏe! Mỗi người hãy thật cẩn thận trong việc mua và sử dụng thực phẩm.

Đế Anh – Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông

(Trích nguồn: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế)
Đội quản lý ATTP liên quận huyện