VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7307960
Trong tháng
93532
Hôm nay
39
Đang Online
2102

Nhiệt liệt hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022

Ngày đăng: 04/04/2022 - Lượt xem: 2250

Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ đắc lực cho việc giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương, quốc gia.

An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt vì đó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh chính trị và quan hệ quốc tế.

Đảm bảo an toàn thực phẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, từ năm 1999, Thủ tướng chính phủ đã chỉ thị hàng năm tổ chức “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” để tăng cường truyền thông, huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền địa phương, các bộ ngành các cơ quan và cả cộng đồng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Năm 2022, triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 745/KH-BCĐLNATTP ngày 29/3/2022 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022” với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới” để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 triển khai trên phạm vi toàn thành phố diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2022 với các nội dung chính như sau:

Tổ chức triển khai “Tháng hành động”: Lễ phát động được tổ chức ở 03 cấp (thành phố; quận, huyện; phường, xã, thị trấn). Đây được xem là hoạt động mở đầu cho một loạt các chuỗi hoạt động có liên quan.

Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm: nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đơn vị quản lý và của cả cộng đồng, đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Cấp thành phố: Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động. Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với các ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng. Các Sở, Ban, ngành Thành phố phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông xây dựng nội dung và sản xuất các tài liệu truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố truyền thông về các Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

Cấp quận/huyện và Thành phố Thủ Đức: Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm quận/huyện và Thành phố Thủ Đức chỉ đạo đơn vị chức năng, tổ chức chính trị, xã hội triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền,phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...Công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

Thanh tra, kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022:

Cấp thành phố: Thành phố tổ chức giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Ủy ban nhân dân các quận/huyện và Thành phố Thủ Đức trong đợt triển khai Tháng hành động năm 2022, quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra nhận xét, đánh giá kết quả về việc triển khai Tháng hành động năm 2022, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. 

Cấp quận/huyện và Thành phố Thủ Đức: Tổ chức các đoàn kiểm tra với đầy đủ thành phần chuyên môn, đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.

“Tháng hành động” năm 2022 được xem như điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. Gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

                                                         Châu Dung – Phòng TT, GD, TT

 

Link tải file KH 745/KH-BCĐLNATTP

Đội quản lý ATTP liên quận huyện