VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7311508
Trong tháng
97080
Hôm nay
3587
Đang Online
5654

Cung cấp thông tin công tác quản lý an toàn thực phẩm về sản xuất - kinh doanh rượu tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 19/08/2022 - Lượt xem: 982

Cung cấp thông tin công tác quản lý an toàn thực phẩm về sản xuất - kinh doanh rượu tại Thành phố Hồ Chí Minh

1. Vừa qua xảy ra nhiều tình trạng ngộ độc rượu, vậy việc quản lý kinh doanh rượu và chất lượng rượu trên thị trường ở TP.HCM như thế nào?

  Hiện nay việc quản lý kinh doanh rượu và chất lượng rượu trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu (trừ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ) cần có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm hoặc cơ sở đã được cấp một số các giấy chứng nhận khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000[1]hoặc tương đương còn hiệu lực.

Bên cạnh các giấy chứng nhận nêu trên thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải tuân thủ quy định về thông tin ghi nhãn hàng hoá[2]sản xuất trong nước và nhập khẩu, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế, phải thực hiện việc tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP  ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Nhằm tăng cường công tác phòng chống ngộ độc rượu và tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tuyên truyền phòng chống tác hại của việc sử dụng rượu, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã có các văn bản số 963/BQLATTP-QLNĐ ngày 15/4/2022 về phòng chống ngộ độc rượu và văn bản số 1965/BQLATTP ngày 09/08/2022 gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố trong đó tập trung các nội dung:

- Tăng cường thông tin tuyên truyền về tác hại của việc làm rượu hoặc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất rượu, đặc biệt là cơ sở sản xuất theo hình thức thủ công; xử lý nghiêm, đối với các trường hợp sản xuất và kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban đã phát hiện và xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm? Xử lý ra sao?

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố được Ban QLATTP thực hiện thường xuyên, liên tục. Căn cứ theo Kế hoạch năm, Ban QLATTP đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm theo từng đợt cao điểm, theo chuyên đề.

Trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán năm 2022, Ban QLATTP tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên Đán và trong các Lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…

Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến hết năm 2021, Ban QLATTP đã kiểm tra 08 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở với số tiền phạt là 134.900.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm rượu của 02 cơ sở này do vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có bản tự công bố sản phẩm rượu.

Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7 năm 2022, Ban QLATTP đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

Ban QLATTP đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố ban hành Kế hoạch số 1964/KH-BCĐLNATTP ngày 09/8/2022 về việc triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022, Ban QLATTP tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố, trong đó có các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn.

3. Khuyến cáo của Ban với người dân để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu?

-       Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

-       Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

-       Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

-       Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

-       Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

4. Khó khăn trong quy trình kiểm tra và xử lý các trường hợp kinh doanh vi phạm?

-       Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vì vậy, công tác quản lý đối với các cơ sở này gặp một số khó khăn. Các cơ sở này ít đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hoặc đầu tư để đối phó với Đoàn kiểm tra.

-       Trong quá trình hoạt động, tình hình kinh tế khó khăn nên số lượng cơ sở ngưng hoạt động, chuyển sang loại hình khác hoặc tạm ngưng hoạt động chiếm tỉ lệ cao.

Một số cơ sở đóng cửa, hoạt động về đêm nhằm né tránh việc kiểm tra hành chính của các Đoàn kiểm tra. Một số cơ sở sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính đã đóng cửa, giải thể, chuyển địa điểm khác nhằm tránh né việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

[1]- HACCP - Hazard Analysis and Critical Control Points: Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn.

- ISO 22000 - Food safety management systems - Requirements for any organization in the food chain: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm.

- IFS - International Food Standard: Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế.

- BRC - BRC Global Standard for Food Safety- Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm.

- FSSC - Food Safety System Certification- Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm.

[2] Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa.

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9 tháng 12 năm 2021 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 43/2017 nhãn hàng hóa.

 

 

Đội quản lý ATTP liên quận huyện