VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7294293
Trong tháng
79865
Hôm nay
703
Đang Online
4780

Những hiểu biết về rau, củ, quả và trái cây.

Ngày đăng: 09/01/2023 - Lượt xem: 1069

Rau, củ, quả (rau) và trái cây là một trong 4 nhóm thực phẩm cần thiết để có một bữa ăn hợp lý ở gia đình. Giá trị của rau và trái cây là cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, chất khoáng và vi khoáng. Ngoài ra trong rau và trái cây còn chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học cao như các chất chống oxy hóa như flavonoid, polyphenol, tannins, … có tác dụng nâng cao sức khỏe .

Tết Nguyên đán cũng là dịp người thân họp mặt, chung vui bên gia đình, bên cạnh các sản phẩm thường dùng nhiều vào ngày Tết nhưbánh, mức, kẹo, các sản phẩm chế biến sẵn... các gia đình nên lưu ý cần bổ sung thêm thành phần rau, trái cây tươi để cân đối chất lượng bữa ăn, tăng cường khả năng tiêu hóa của cơ thể giúp duy trì sức khỏe sau những ngày Tết Nguyên đán 2023. Để nhận biết và chọn lựa các loại rau và trái cây an toàn bằng mắt thường, người tiêu dùng có thể lựa chọn rau và trái cây dựa trên các tiêu chí sau:

- Ưu tiên chọn những loại rau và trái cây chính vụ. Trong thời điểm chính vụ, đa số các cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các hoạt chất kích thích để tăng năng suất, hạn chế được việc sử dụng hóa chất[1].

- Cách nhận biết cụ thể một số loại rau củ quả an toàn[2].

+ Rau ăn ngọn: rau lang, rau muống, đọt bầu bí: Không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, do dùng thuốc chất kích thích tăng trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly[3]. Nếu mua về không sử dụng liền để ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5 - 10 cm.

 + Rau cải (cải xanh, cải thảo...):  Khi mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị bón quá nhiều phân đạm, không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen, không nên mua.

+ Rau muống: Không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn nghiêng mặt trên của lá rau rất bóng và mướt, do sử dụng nhiều phân đạm hoặc phân bón lá. Khi nước luộc rau này nguội, nước sẽ biến thành màu xanh đen; khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.

+ Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô): Không nên mua bó rau có ngọn dài, khoảng cách giữa các lóng xa nhau (ngọn vươn dài), tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen...do bón thừa đạm hoặc nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.

+ Rau cần: Khi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo thì không nên mua do sử dụng quá nhiều phân bón lá và có khả năng còn tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen.

+ Củ, quả: Không nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng; Đặc biệt đối với trái cây: quan sát trong lô hàng có quả chín hay không để nhận biết trái cây sinh trưởng và phát triển bình thường.

+ Các loại quả đậu (gồm đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà lan, đậu ván...): Không nên chọn những trái khi nhìn trái bóng nhẫy, ít lông tơ...

Để hạn chế sản phẩm rau và trái cây có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và nhiễm khuẩn, cách xử lý trước khi sử dụng đơn giản nhất mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh, người tiêu dùng cần lưu ý:

- Rửa rau và trái cây dưới vòi nước sạch, chảy mạnh: loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật và một số chất bẩn trên bề mặt sản phẩm.

 
 
Hình 1. Rửa rau và trái cây dưới vòi nước chảy mạnh

 + Rau có lá to: cẩn thận bóc tách và rửa từng cọng rau, từng lá rau, rửa bề mặt bên này rồi đến bề mặt bên kia một cách nhẹ nhàng, không nóng vội.

+ Rau (những loại rau lá nhỏ) thì phải rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần.

+ Rau ăn ngọn: khi sử dụng ngắt bỏ phần đọt vì nơi này chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật;

- Ngâm rau (ăn sống) trong nước: sau khi rửa sạch, ngâm các loại rau ăn sống như tía tô, húng cây, húng quế, diếp cá... trong nước muối pha loãng hoặc một lượng nhỏ thuốc tím từ 5-10 phút, giúp có tác dụng khử trùng một số loại vi sinh vật gây hại còn bám trên bề mặt rau tươi và đặc biệt làm giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bên trong sản phẩm[4].

- Quả tươi, trái cây tươi thì sau khi rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, trước khi ăn nên gọt vỏ.

Trong các năm gần đây, các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sau mùng 2 Tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí và có thể không an toàn. Việc bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín có thể gây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh. Để góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày Tết, cùng với sự quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cũng tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, có địa chỉ rõ ràng, từ các cửa hàng, siêu thị, quầy sạp có uy tín…./.

Phòng Quản lý Chất lượng thực phẩm


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Viện Y học ứng dụng. Rau và hoa quả trong bữa ăn gia đình. BS. Nguyễn Văn Tiến -Viện Dinh dưỡng Quốc gia. http://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc---su-kien-noi-bat/rau-va-hoa-qua-trong-bua-an-gia-dinh.html.

2. FAO.Org.Vn. Danh sách các loại cây trồng theo mùa https://www.fao.org.vn/trong-trot/lich-trong-rau-theo-mua/

3. Viện Y học ứng dụng Việt Nam – Tổng hội Y học Việt Nam. Cách nhận biết rau, củ, quả an toàn. https://vienyhocungdung.vn/cach-nhan-biet-rau-cu-qua-an-toan-20210329144938817.htm

4. Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng quốc gia. Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý vitamin cần thiết để khỏe mạnh giữa dịch nCoV. https://bvphcntw.gov.vn/index.php/vi/news/y-hoc-thuong-thuc/chuyen-gia-dinh-duong-goi-y-vitamin-can-thiet-de-khoe-manh-giua-dich-ncov-35.html

5. Báo sức khỏe và đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Hệ luỵ khi lạm dụng chất kích thích sinh trưởng trong trồng trọt.
https://suckhoedoisong.vn/he-luy-khi-lam-dung-chat-kich-thich-sinh-truong-trong-trong-trot-169141979.htm.


[1] FAO.Org.Vn. Danh sách các loại cây trồng theo mùa https://www.fao.org.vn/trong-trot/lich-trong-rau-theo-mua/

[2]Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng quốc gia. Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý vitamin cần thiết để khỏe mạnh giữa dịch nCoV. https://bvphcntw.gov.vn/index.php/vi/news/y-hoc-thuong-thuc/chuyen-gia-dinh-duong-goi-y-vitamin-can-thiet-de-khoe-manh-giua-dich-ncov-35.html

[3] Báo sức khỏe và đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Hệ luỵ khi lạm dụng chất kích thích sinh trưởng trong trồng trọt. https://suckhoedoisong.vn/he-luy-khi-lam-dung-chat-kich-thich-sinh-truong-trong-trong-trot-169141979.htm .

[4]Khi ngâm trong nước muối hoặc trong nước có một lượng nhỏ thuốc tím: theo nguyên tắc thẩm thấu, các hoạt chất từ môi trường nồng độ cao sẽ dịch chuyển sang môi trường có nồng độ thấp hơn, như vậy thuốc bảo vệ thực vật có trong sản phẩm sẽ được di chuyển ra khỏi sản phẩm và ngược lại nước muối hoặc thuốc tím sẽ di chuyển vào bên trong sản phẩm. Khi đó, chúng ta ăn sản phẩm có ngâm nước muối có vị hơi mặn mặn.

Đội quản lý ATTP liên quận huyện