VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7342448
Trong tháng
128020
Hôm nay
1064
Đang Online
1850

Cảnh báo bệnh dịch tả heo Châu Phi và công tác phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ lây lan trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 02/11/2018 - Lượt xem: 1132

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OEI), ngày 01/8/2018, bệnh dịch tả heo Châu Phi lần đầu tiên đã xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng có 04 ổ dịch tả heo Châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số heo buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên Bang Nga, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a) báo cáo có dịch tả heo Châu Phi. Dịch tả heo Châu Phi có thể còn tiếp tục lây lan rộng và khả năng xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: tuy chưa phát hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi, nhưng vừa qua, do biến động của giá thịt heo tăng cao, một số tỉnh giáp ranh biên giới với Việt Nam đã có hiện tượng thương lái nhập lậu thịt heo, heo con thương phẩm, vận chuyển trái phép vào Việt Nam để tiêu thụ làm tăng nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi vào Việt Nam, trong đó có địa bàn thành phố.

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên loài heo, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi rút suốt đời. Hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ gây tác hại rất lớn cho ngành chăn nuôi và rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, các biện pháp chủ yếu như kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm của heo nhập vào thành phố và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng.

Trước diễn biến nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF), Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện một số biện pháp phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ, không để bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra và lây lan trên địa bàn thành phố, với các nội dung triển khai như sau:

1. Đề nghị đối với UBND các quận, huyện và các ban, ngành liên quan:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh; nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng biện tích điển hình của bệnh dịch tả heo Châu Phi, các trường hợp vận chuyển, bán chạy gia súc mắc bệnh, kịp thời báo ngay với cơ quan thú y để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh (nếu có); đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh;  

- Khuyến cáo cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tăng khả năng đề kháng của gia súc; thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng; vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ gàng, đã qua kiểm dịch thú y;

- Tập trung thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, đảm bảo đạt tỷ lệ 100% tổng đàn và trên 80% gia súc thuộc diện tiêm phòng. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định;

 - Kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, các tuyến đường nhỏ thông với các trục đường chính ra vào thành phố, các khu vực giáp ranh với các tỉnh, nhằm kiểm soát các trường hợp bán chạy gia súc mắc bệnh, gia súc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhiễm và lây lan vào thành phố.  

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với các đoàn liên ngành, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các quận huyện:

- Thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh tại thành phố và trên cả nước; cung cấp nội dung tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ về những tác hại của bệnh dịch tả heo Châu Phi;

- Đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng cho đàn gia súc và thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi các bệnh bắt buộc tiêm phòng theo quy định; đề xuất các biện pháp xử lý đối với các trường hợp không chấp hành tiêm phòng hoặc tình trạng dấu bệnh tại các cơ sở chăn nuôi;

- Giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn; bắt buộc các cơ sở chăn nuôi, nhất là tại khu vực chăn nuôi của các hộ nhập cư, thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch tễ theo định kỳ, nguồn heo xuất, nhập đàn phải thực hiện đúng quy trình kiểm dịch. Xử lý theo quy định đối với trường hợp nhập heo không rõ nguồn gốc vào các cơ sở chăn nuôi. Thông tin đến các cơ sở chăn nuôi về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học;

- Tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm dịch tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng các phương tiện vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc vào thành phố. Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố chốt chặn, giám sát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc tại các cửa ngõ, các tuyến đường ra vào thành phố, đảm bảo nguồn gia súc an toàn để cung cấp thực phẩm cho thành phố;

- Tuân thủ chặt chẽ các quy trình nhập gia súc vào cơ sở giết mổ, đảm bảo nguồn gia súc nhập có nguồn gốc, có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kiểm dịch theo đúng quy định, đặc biệt là nguồn gia súc từ các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc;

- Tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố./.

 

(Bài viết có trích dẫn một số thông tin trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh)

 

Đỗ Viết Cương - Phòng TT,GD,TT

Đội quản lý ATTP liên quận huyện