VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
7342649
Trong tháng
128221
Hôm nay
1265
Đang Online
2100

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa hè

Ngày đăng: 18/06/2018 - Lượt xem: 2061

Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, gia tăng sử dụng nước đá ăn uống, nguyên liệu không bảo đảm an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.

  • Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

          Theo các chuyên gia y tế, sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, có thể sau một vài ngày), người bệnh thấy đột ngột có những triệu chứng lâm sàng như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, sốt cao trên 38oC hoặc không sốt.

Các biện pháp xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm như:

- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải ngưng việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.

 - Bổ sung nước điện giải kịp thời vì người bị ngộ độc thường mất khá nhiều nước do nôn, tiêu chảy nhiều lần. Bù nước bằng đường uống: Áp dụng cho những trường hợp nhẹ, giai đoạn đầu chưa mất nước nhiều và giai đoạn hồi phục. Có thể áp dụng tại nhà hoặc ở các cơ sở y tế. Các loại dung dịch đường uống: Oresol (ORS) pha với 1 lít nước đun sôi để nguội. Có thể pha dung dịch thay thế: 8 thìa nhỏ (thìa cà phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước; hoặc nước cháo 50g gạo và một nhúm muối (3.5g) hoặc nước dừa non có pha một nhúm muối. Các biến chứng nghiêm trọng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là mất nước và mất muối (có cả muối và các khoáng chất thiết yếu) (1)

- Vệ sinh khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly để đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.

- Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột…và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

  • Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày hè

 Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, trách nhiệm đạo đức cũng được đặt ra với những người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh mặt hàng ăn uống. Kinh doanh sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm là góp phần phòng tránh ngộ độc cho người tiêu dùng.

  • Các bước thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm (2)

A - Thực hành tốt vệ sinh các nhân

-    Duy trì định kỳ hằng năm khám sức khỏe và cấy phân tìm người lành mang trùng

-    Thường xuyên tắm rửa, gội đầu trước khi đi làm và sau khi đi làm về.

-    Không để móng tay dài, giữ tay sạch sẽ.

-    Thực hiện “Thực hành tốt bàn tay”.

-    Trang phục cá nhân luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng; Tốt nhất cần có mũ chụp tóc khi tiếp xúc với thực phẩm.

-    Khi có vết thương trên da, cần được băng bó kín bằng băng gạc không thấm nước.

-    Không tiếp xúc với thực phẩm khi đang bị sốt, hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm và các chứng bệnh: lao, lị, thương hàn, tả, ỉa chảy, mụn nhọt, són đái, són phân, viêm gan virus, viêm mủi, viêm họng mủ, các bệnh nhiễm trùng ngoài da, các bệnh da liễu, người lành mang trùng đường ruột.

-    Không đeo đồ trang sức khi tiếp xúc với thực phẩm chín ăn ngay.

-    Không dùng tay trực tiếp để bốc, chia thực phẩm chín ăn ngay.

-    Không ho, hắt hơi, xì mũi, hút thuốc, nhai kẹo, cười, nói to trong khu vực kho bảo quản và kinh doanh thực phẩm.

 

Người trực tiếp sản xuất chế biến tuân thủ các quy định về thực hành

đảm bảo an toàn thực phẩm

B - Thực hành tốt bàn tay

            Đối với người trực tiếp với thực phẩm khi kinh doanh cần thực hiện “Thực hành tốt bàn tay” như sau:

1. Rửa tay sau khi:

-     Đi vệ sinh

-    Tiếp xúc với thực phẩm sống

-    Xì mũi

-    Tiếp xúc với các bề mặt bẩn, đổ rác, các loại hóa chất.

-    Gãi ngứa, ngoáy tai, ngoáy mũi hoặc đụng tay vào các bộ phận của cơ thể

-    Hút thuốc

-    Đụng tay vào súc vật

-    Mỗi lần nghỉ giải lao.

2. Rửa tay trước khi:

-   Tiếp xúc với thực phẩm

-   Chế biến, ăn uống

3. Lau khô tay sau khi rửa bằng khăn giấy dùng một lần, khăn bông sạch hoặc máy thổi khô. Không lau chùi tay vào quần áo, váy, tạp dề để làm khô.

4. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch cả gan bàn tay và mu bàn tay, cổ tay các khe ngón tay và nếp móng tay.

5. Không để móng tay dài nếu có vết xước thì cần được băng bó bằng gạc không thấm nước và nên đi găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm.

C - Thực hành bảo quản thực phẩm tốt

  1. Thực phẩm cần được bảo quản lưu trữ trong khu vực, dụng cụ, trang bị chuyên dùng cho thực phẩm (tủ lạnh, buồng lạnh, kho lạnh…)
  2. Đồ đựng, bao gói thực phẩm phải an toàn, không thôi nhiễm, không thủng, không rỉ sét, có nắp đậy kín, dễ chùi rửa.
  3. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
  4. Bảo đảm thời gian bảo quản.
  5. Không để ô nhiễm chéo trong quá trình bảo quản hoặc ô nhiễm từ môi trường, côn trùng.
  6. Không dùng các chất hoặc phương pháp bảo quản thực phẩm ngoài quy định.

 

Phân biệt sống chín và che đậy kỹ khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

D - Thực hành tốt vận chuyển, phân phối thực phẩm

-   Chỉ dùng trang thiết bị chuyên dùng cho thực phẩm để vận chuyển, tránh gây thôi nhiễm.

-   Che đậy, bao gói thực phẩm an toàn, tránh gây ô nhiễm thêm vào thực phẩm.

-   Giữ nhiệt độ an toàn cho từng loại thực phẩm trong quá trình vận chuyển.

-   Không làm biến tính, thay đổi tính chất của thực phẩm trong quá trình lưu thông phân phối.

-   Khi vận chuyển thức ăn và dụng cụ cho khách hàng cần để trong các vật liệu sạch sẽ, không độc, chắc chắn, che đậy kín không để hư hỏng, ô nhiễm.

-   Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hóa độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm.

-   Đảm bảo đúng thời gian vận chuyển. Thức ăn chín ăn ngay, thời gian sau khi nấu đến khi ăn không để quá 2 giờ.

 

E - Thực hành tốt nhãn mác thực phẩm

I/ Đối với thực phẩm bao gói sẵn:

Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thông tin ghi nhãn hàng hóa, trong đó cần lưu ý các thực phẩm bao gói sẵn phải có nhãn đầy đủ nội dung theo quy định:

  1. Tên hàng hóa thực phẩm: phải phù hợp với bản chất của sản phẩm.
  2. Xuất xứ hàng hóa, tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
  3. Định lượng của hàng hóa thực phẩm.
  4. Thành phần cấu tạo.
  5. Hạn sử dụng của sản phẩm, ngày sản xuất (nếu có)
  6. Hướng sẫn sử dụng và các lưu ý về sức khỏe khác (nếu có).
  7. Hướng dẫn bảo quản.
  8. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm.

 II/ Các thực phẩm tươi sống, chế biến không có nhãn mác, đồ ăn, đồ uống tiêu dùng trong vòng 24 giờ:

-   Phải biết rõ nguồn gốc an toàn

-   Thức ăn phải được bảo quản sạch, chống ruồi bọ, mưa, gió, bụi.

-   Dụng cụ bao gói chứa đựng phải sạch không gây thôi nhiễm, ô nhiễm vào thực phẩm.

Thông điệp: Bảo đảm An toàn thực phẩm mùa hè (3)


Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Hãy:
Thực hiện các nguyên tắc trong lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn:
- Lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, nên ăn ngay sau khi chế biến xong, đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng. Che đậy, bảo quản thức ăn sau khi nấu chín.
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với những nguồn gây ô nhiễm khác.
- Đảm bảo dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, vệ sinh sạch sẽ.
- Bảo đảm nguồn nước sạch trong chế biến thực phẩm. Nước đá sử dụng trong ăn uống phải được sản xuất từ nguồn nước bảo đảm vệ sinh.
Cơ quan quản lý và chính quyền các cấp:
Cần tăng c­ường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Vì sức khỏe của bạn và cộng đồng, hãy bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Nguồn: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Thanh Trúc - P.TT.GD.TT

 

  • Tài liệu tham khảo:

(1)  Quyết định số 4178/QĐ-BYT ngày 31/10/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tả”);

(2)  Tài liệu tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm (cho người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm) năm 2014- Cục An toàn thực phẩm;

(3)  http://www.vfa.gov.vn/truyen-thong/thong-diep-bao-dam-an-toan-thuc-pham-mua-he.html

       http://www.vfa.gov.vn/truyen-thong/bao-dam-an-toan-thuc-pham-phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-mua-he.html
Đội quản lý ATTP liên quận huyện